"Cá nhân tôi cũng có những lúc đã quá chú trọng đến lãnh đạo mà xem nhẹ tầm quan trọng của quản lý. Chính lỗ hổng này đã trở thành động lực thúc đẩy tôi thực hiện các công trình nghiên cứu về nguyên tắc lãnh đạo của mình", Stephen R. Covey, chuyên gia kinh tế Mỹ, cho biết.
Stephen R. Covey là một chuyên gia về nghệ thuật lãnh đạo, tâm lý học kinh doanh, tâm lý học gia đình. Ông cũng là một nhà giáo, chuyên gia tư vấn tổ chức nhân sự cho các công ty, tập đoàn, và nhiều tổ chức tại Mỹ và trên khắp thế giới. Ngoài ra, ông còn là nhà đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch FranklinCovey Co. Ông sống cùng gia đình tại vùng Rocky Mountains, bang Utah, Mỹ. Bí quyết của các nhà lãnh đạo trong thời buổi khủng hoảng khó khăn và những thói quen giúp con người ta gặt hái được thành công sẽ được ông chia sẻ trong cuốn sách "Thói quen thứ 8".
"Thói quen thứ 8" là câu trả lời cho những ai đang kiếm tìm sự vĩ đại, cho các tổ chức đang phấn đấu đạt những thành tích có ý nghĩa vượt bậc và cho cả cuộc đi tìm tiếng nói của nhân loại. Sâu sắc, hấp dẫn, thuyết phục, ra đời đúng thời điểm một cách đáng kinh ngạc, quyển sách tư duy bậc cao mới này sẽ đưa bạn đến những khả năng vô hạn để tạo ra những giá trị to lớn trong thời đại lao động tri thức.
Cổ vũ người khác tìm ra tiếng nói của họ là một thách thức lớn của người lãnh đạo. Stephen R. Covey nhớ lại: "Khi còn trẻ, tôi có dịp gặp một nhà lãnh đạo, người đã để lại ảnh hưởng sâu sắc đến cả quãng đời còn lại của tôi. Trước đó tôi quyết định tạm nghỉ học để tham gia một hoạt động tình nguyện.
Tôi được mời sang Anh và sau khi đến đó được hơn bốn tháng, vị chủ tịch tổ chức nọ đến gặp tôi và bảo: “Tôi có một công việc mới cho anh, tôi muốn anh đi khắp đất nước này để huấn luyện cho các nhà lãnh đạo địa phương”. Lời đề nghị thực sự làm tôi bất ngờ. Tôi là ai mà lại đi huấn luyện các nhà lãnh đạo lớn tuổi hơn tôi gấp hai, ba lần? Nhận ra sự do dự của tôi, ông ấy nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Tôi rất tin tưởng ở anh. Anh sẽ làm được. Tôi sẽ đưa cho anh những tài liệu cần thiết để giúp anh chuẩn bị tốt bài giảng cho các vị lãnh đạo này và giúp họ chia sẻ những kinh nghiệm tốt cho nhau”.
Chính niềm tin của ông vào tôi, khả năng nhìn thấy ở con người tôi nhiều hơn chính tôi nhận ra mình, ý muốn giao cho tôi trách nhiệm đã mở khóa cho tiềm năng ẩn giấu trong tôi. Tôi đã nhận nhiệm vụ đó, làm hết sức mình và tôi đã phát huy tối đa sức mạnh về thể xác, trí tuệ, tình cảm và tinh thần. Tôi đã lớn lên và nhận thấy người khác cũng lớn lên. Tôi nhận ra những nguyên tắc cơ bản về lãnh đạo. Đến khi trở về nước, tôi đã phát hiện ra một công việc mà cả đời này tôi muốn dành trọn cho nó: giải phóng tiềm năng của con người. Tôi đã tìm được “tiếng nói” của bản thân mình. Và chính vị lãnh đạo của tôi, đã cổ vũ tôi tìm ra nó.
Tôi nhận ra rằng không phải chỉ có một mình tôi nhận được lời cổ vũ tinh thần từ ông. Sự động viên của ông đối với người khác, khả năng đoàn kết chúng tôi theo cùng một hướng của ông, cách thức truyền cho chúng tôi sức mạnh và nguồn lực bằng sự tin cậy và trao quyền của ông đã trở thành tiêu chuẩn trong toàn bộ tổ chức của chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu thực hiện vai trò lãnh đạo và phục vụ người khác theo cùng một cách như thế và những kết quả chúng tôi đạt được rất nổi bật.
Từ đó tôi hiểu rằng những nguyên tắc chỉ đường cho sự lãnh đạo của ông đều là những nguyên tắc chung cho sự lãnh đạo thành công của mọi tổ chức, bất kể chức vụ và cấp bậc của người lãnh đạo. Kinh nghiệm của tôi trong giảng dạy, tư vấn, trong lãnh đạo doanh nghiệp, trường đại học, các tổ chức tự nguyện, nhà thờ và đặc biệt nhất là trong gia đình mình, đã dạy tôi rằng ảnh hưởng của lãnh đạo được chi phối bởi các nguyên tắc. Khi bạn tuân theo những nguyên tắc đó thì ảnh hưởng và quyền lực tinh thần trong bạn sẽ tăng lên; và thường thì khi đó, bạn sẽ được trao cho những quyền hạn to lớn hơn.
Lãnh đạo là gì?
Nói một cách đơn giản, lãnh đạo là giao tiếp hiệu quả với người khác nhằm giúp họ nhận ra giá trị và tiềm năng của chính họ. Đó chính là điều cốt lõi của phương pháp lãnh đạo tạo ảnh hưởng và sự bền vững trong tổ chức.
Vai trò quan trọng nhất của ông bà, cha mẹ là giao tiếp bằng càng nhiều cách càng tốt để khơi gợi và làm bộc lộ kho tàng giá trị và tiềm năng của con cái, cháu chắt mình... một cách rõ ràng để chúng thực sự tin vào điều đó và dựa vào niềm tin đó để định hướng hành động. Nếu tư tưởng này được thấm nhuần trong nền văn hóa của chúng ta, trong xã hội của chúng ta thì tác động của nó đến nền văn minh thế giới sẽ là tuyệt diệu và vô tận đến mức khó mà tưởng tượng ra được.
Tiếp theo đây, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn phương tiện phổ biến và liên tục nhất trong việc chỉ ra giá trị và tiềm năng của từng cá nhân: Tổ chức.
Tổ chức là gì?
1. Về căn bản, tổ chức là một mối quan hệ có mục đích (tiếng nói của tổ chức đó). Mục đích đó là nhằm đáp ứng nhu cầu của một (chủ doanh nghiệp), hai người (một cuộc hôn nhân) hoặc của nhiều người (cổ đông trong công ty cổ phần).
2. Hầu hết mọi người đều thuộc về một tổ chức, xét ở một khía cạnh nào đó.
3. Hầu hết những công trình vĩ đại, những thành tựu lớn lao trên thế giới này đều được tiến hành từ bên trong và thông qua các tổ chức.
4. Thách thức lớn nhất trong các tổ chức, kể cả các gia đình là việc xác lập và vận hành nó sao cho từng thành viên đều cảm nhận được những giá trị và tiềm năng quan trọng của mình cũng như đóng góp tài năng bằng niềm đam mê lớn nhất của họ. Nói cách khác, tiếng nói của họ nhằm đạt được mục đích và những ưu tiên cao nhất của tổ chức dựa vào các nguyên tắc. Chúng ta có thể gọi đây là Sự Thách thức trong Lãnh đạo (Leadership Challenge).
Nói ngắn gọn, tổ chức là tập hợp các cá nhân có mối quan hệ và cùng chia sẻ một mục đích. Đến đây, hy vọng rằng bạn có thể thấy tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của tổ chức đến mỗi người chúng ta như thế nào.
Từ các tài liệu nói về lý thuyết lãnh đạo, chúng tôi đã tập hợp những phát biểu của các tác giả hàng đầu nói về sự khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý.
"Cá nhân tôi cũng có những lúc đã quá chú trọng đến lãnh đạo mà xem nhẹ tầm quan trọng của quản lý. Tôi cho rằng sở dĩ có điều này là do hầu hết các tổ chức, kể cả các gia đình bị quản lý quá chặt mà lại thiếu sự lãnh đạo. Chính lỗ hổng này đã trở thành động lực thúc đẩy tôi thực hiện các công trình nghiên cứu và khiến tôi tập trung đào sâu các nguyên tắc của lãnh đạo. Tuy nhiên, tôi luôn tự nhắc nhở mình về tầm quan trọng của quản lý. Thực ra công ty của tôi từng hoạt động không có lãi cho đến khi tôi trao quyền quản lý cho con trai tôi, Sean Covey, và một nhóm người khác có năng lực có thể bù đắp cho sự yếu kém trong quản lý của tôi. Bạn không thể nào lãnh đạo hàng tồn kho, lưu lượng tiền mặt hoặc chi phí, mà bạn chỉ có thể quản lý chúng. Tại sao? Bởi vì sự vật không có khả năng tự do lựa chọn. Chỉ có con người mới có khả năng đó. Vì thế, bạn lãnh đạo (trao quyền) con người, nhưng bạn quản lý sự vật. Sau đây là danh sách những đối tượng cần có sự quản lý.
Nhưng sự trải nghiệm và việc giảng dạy cũng đưa tôi đến kết luận rằng chìa khóa để hiểu được hành vi của tổ chức không phải là nghiên cứu hành vi của bản thân tổ chức mà là nghiên cứu và hiểu được bản chất của con người trong tổ chức đó. Bởi vì, một khi bạn hiểu được những yếu tố cơ bản của bản chất con người thì bạn sẽ nắm trong tay chiếc chìa khóa để mở ra tiềm năng bên trong mỗi cá nhân và tổ chức. Đây chính là lý do vì sao mô thức con người hoàn thiện vốn được biểu hiện bằng thể xác, trí tuệ, tâm hồn và tinh thần lại có liên hệ chặt chẽ đến việc hiểu rõ các tổ chức, cũng như các cá nhân. Nói đúng ra, không có cái gọi là hành vi tổ chức (organizational behavior) mà chỉ có hành vi cá nhân (individual behavior), được tập hợp lại trong các tổ chức.
Bạn có thể hỏi “Thế thì sao? Tất cả những lý thuyết này có quan hệ gì đến những thách thức mà tôi đang phải đối mặt hằng ngày? Tại sao tôi cần phải nắm rõ tổ chức để có thể giải quyết tốt hơn những vấn đề của tôi?”.
Câu trả lời đơn giản và rất rõ ràng: đó là vì chúng có liên quan chặt chẽ với nhau. Tất cả chúng ta đều sống và làm việc trong một tổ chức nào đó, gồm cả tổ chức gia đình. Chúng ta cần có bối cảnh để hiểu rõ bản thân mình.
Như tôi đã nói, mọi tổ chức, kể cả tổ chức tốt nhất đều không tránh khỏi những vấn đề cần xử lý hàng ngày, tháng, quý, năm. Tôi đã làm việc với hàng ngàn tổ chức khác nhau. Thậm chí những tổ chức mà tôi đánh giá cao nhất cũng phải vật lộn với vấn đề này hay rắc rối nọ ở một mức độ nào đó. Điều thú vị là hầu hết những vấn đề mà họ gặp phải đều tương tự nhau. Chắc chắn phải là những điểm chung nào đó về tính cách con người và tình huống có liên quan trực tiếp đến những vấn đề họ gặp phải. Khi chúng ta đi đến tận cùng của vấn đề thì sẽ tìm ra được căn nguyên. Peter Drucker nói thế này:
Tất nhiên có sự khác nhau về quản trị giữa các tổ chức nhưng xét cho cùng thì sứ mệnh quyết định chiến lược và chiến lược quyết định cấu trúc. Tuy nhiên, những sự khác nhau giữa việc quản lý một chuỗi các cửa hàng bán lẻ và quản lý một giáo phận là không nhiều như suy nghĩ của cửa hàng trưởng và vị giám mục.
Những người quản lý các tổ chức này đều mất thời gian như nhau vào việc xử lý các vấn đề con người, mà điều cốt lõi là vấn đề của con người thì ở đâu cũng vậy.
Bất kể bạn đang quản lý một công ty phần mềm, một bệnh viện, một ngân hàng, hoặc một tổ chức hướng đạo sinh thì sự khác biệt chỉ chiếm khoảng 10% công việc của bạn. 10% này là do sứ mệnh cụ thể của tổ chức, văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ của tổ chức yêu cầu phải đạt được, 90% còn lại có thể hoán đổi cho nhau.
Mục đích của tôi trong Phần 2 - Cổ vũ người khác tìm ra tiếng nói của họ - là giúp bạn khám phá làm cách nào, qua làm việc và phấn đấu để giải quyết được những thách thức để sau đó có thể làm tăng ảnh hưởng của bản thân và tổ chức của bạn - bất kể đó là đội nhóm, bộ phận, phòng ban hoặc toàn thể tổ chức, kể cả gia đình của bạn.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách xem xét tính chất hai mặt của những vấn đề mà chúng ta gặp phải. Trước khi bắt đầu, bạn cần lấy lại tinh thần để đủ sức nắm bắt tính chất phức tạp của các thách thức trong một tổ chức. Để làm việc đó, bạn cần đọc hai đoạn trích dẫn sau. Trích dẫn thứ nhất là của Albert Einstein: “Chúng ta không thể nào vượt qua được những thách thức gặp phải bằng mức độ tư duy giống như khi chúng ta tạo ra chúng”. Bạn đã biết mô thức mới về bản tính của con người, mô thức con người hoàn thiện bao gồm thể xác, trí tuệ, tâm hồn và tinh thần. Bạn đã biết rằng mô thức này tương phản với mô thức kiểm soát “sự vật” trong thời đại công nghiệp. Bạn cần có một cách nhìn đúng đắn về “con người hoàn thiện” để có thể hiểu và giải quyết được những vấn đề có thể phát sinh trong tổ chức của mình.
Trích dẫn thứ hai là của Oliver Wendell Holmes: “Tôi chẳng hề bận tâm đến những thứ đơn giản trên bề mặt của sự phức tạp; nhưng tôi sẽ hết sức quan tâm đến cái đơn giản nằm trong cốt lõi của sự phức tạp đó”. Điều này có nghĩa là bạn không thể nào giải quyết được những vấn đề thách thức chỉ bằng cách áp dụng những giải pháp chữa chạy nhất thời hoặc bằng những khẩu hiệu hay lời động viên tinh thần đơn giản. Chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất và gốc rễ của những vấn đề gặp phải trong tổ chức để từ đó nắm rõ các quy luật chi phối cách giải quyết vấn đề bằng cách kết hợp chặt chẽ tâm thế và kỹ năng mới vào trong tính cách của mình. Tôi tin rằng nếu bạn có được điều đó, sức mạnh của bạn sẽ được tăng thêm nhờ sự liên kết giữa kiến thức, tháo độ và kỹ năng - là ba nhân tố của thói quen - từ đó bạn sẽ đủ sức đương đầu với những thách thức mới trong thế giới mới này. Bạn sẽ có được Thói Quen Thứ 8, thói quen giúp bạn giải phóng năng lực tiềm ẩn củ a con người.
Những thay đổi chấn động địa cầu
Khi chúng ta chuyển sang nghiên cứu sâu hơn về những thách thức mà các tổ chức gặp phải, bạn nên điểm lại 7 biến đổi ttừng ng làm chấn động địa cầu, đặc trưng cho Thời đại lao động tri thức mới. Trong đó bạn sẽ tìm thấy bối cảnh nơi bạn đang làm việc và những thách thức đối với cá nhân bạn.
- Toàn cầu hóa về kinh tế và công nghệ: Những công nghệ mới đang làm biến đổi hầu hết các thị trường quốc gia, khu vực và địa phương thành thị trường toàn cầu không có biên giới.
- Sự bùng nổ của mạng kết nối toàn cầu: Trong cuốn Nổ tung thành từng mảnh (Blown to Bits), tác giả Evans và Wurster cho rằng: “Những kênh liên lạc hạn hẹp cứng nhắc và đơn độc đã từng gắn kết con người cũng như các công ty với nhau đã trở nên lỗi thời chỉ trong thời gian rất ngắn. Và kéo theo đó, các cấu trúc kinh doanh tạo ra hoặc sử dụng những kênh liên lạc như thế cũng trở nên lỗi thời. Nói ngắn gọn, chất keo đã từng gắn kết tất cả hoạt động kinh tế của chúng ta với nhau đang bị tan chảy nhanh chóng dưới sức nóng của sự kết nối toàn cầu. Điều này có nghĩa là lần đầu tiên trong lịch sử, dòng chảy thông tin bị tách rời khỏi khỏi dòng chảy của vật chất hữu hình”.
- Sự dân chủ hóa về thông tin/các kỳ vọng: Không ai có thể kiểm soát được mạng Internet. Đây là một đại dương bao la chứa đựng hằng hà sa số những thay đổi lớn nhỏ với quy mô toàn cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, tiếng nói thực của con người trong hàng triệu cuộc đàm thoại không bị giới hạn hay cản trở bởi bất kỳ biên giới nào. Thông tin theo thời gian thực sẽ thúc đẩy các kỳ vọng và ý chí của xã hội để rồi cuối cùng điều này thúc đẩy ý chí chính trị có ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
- Cạnh tranh gia tăng theo cấp số nhân: Internet và kỹ thuật vệ tinh biến tất cả mọi người có nối mạng trở thành những đối thủ cạnh tranh toàn cầu. Các tổ chức buộc phải không ngừng tìm ra những cách thức tốt hơn để cạnh tranh với chi phí nhân công thấp hơn, chi phí nguyên vật liệu thấp hơn, tốc độ đổi mới công nghệ cao hơn, năng suất cao hơn và chất lượng tốt hơn. Sức ép của tự do kinh doanh và cạnh tranh thúc đẩy việc tăng cường chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, đẩy nhanh tốc độ sản xuất và sự linh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu khách hàng. Không ai có thể định ra chuẩn mực để cạnh tranh với các đối thủ của mình hay thậm chí định ra cái mình cho là hoàn hảo.
- Làm việc độc lập: Con người ngày nay có nhiều thông tin hơn, có ý thức hơn, có nhiều quyền lựa chọn và nhiều cơ hội hơn bao giờ hết. Thị trường tuyển dụng lao động đang chuyển sang thị trường làm việc độc lập và người ta ngày càng ý thức được khả năng lựa chọn của mình. Những người lao động tri thức sẵn sàng chống lại nỗ lực của cơ chế quản lý đánh mã số lên cá nhân họ. Họ ngày càng quyết tâm tự mình xây dựng thương hiệu cho riêng mình.
- Sự biến đổi không ngừng: Chúng ta đang sống trong một môi trường không ngừng thay đổi. Trong môi trường biến động này, mỗi cá nhân phải có nét riêng để định hướng cho hành động. Họ phải tự mình hiểu được mục đích và các nguyên tắc chủ đạo của tập thể hay của tổ chức. Nếu bạn cứ luôn tìm cách quản lý họ, thậm chí họ sẽ không nghe bạn. Tiếng ồn, sự đôn đốc, sự khẩn cấp của những thách thức và mục tiêu mà họ phải đối mặt đã trở nên quá đủ đối với họ.
(Trích cuốn sách "Thói quen thứ 8" do Công ty First News phát hành)
|